Hoạt động sau Thế Chiến II USS_Yorktown_(CV-10)

1945 – 1952

Yorktown đang bị bỏ không trong thành phần dự bị tại Xưởng Hải quân Puget Sound, Bremerton, Washington, năm 1948

Sau chuyến đi không dừng nghỉ, Yorktown về đến vịnh San Francisco vào ngày 20 tháng 10, neo đậu tại Căn cứ Không lực Hải quân Alameda và bắt đầu tiễn hành khách lên bờ. Nó ở lại đó đến ngày 31 tháng 10 trước khi chuyển đến Xưởng hải quân Hunters Point để thực hiện các sửa chữa nhỏ. Ngày 2 tháng 11, trong khi còn đang trong xưởng, nó nhận được lệnh của Hạm đội Thái Bình Dương tham gia chiến dịch Magic Carpet (chiếc thảm thần) đưa quân nhân giải ngũ hồi hương. Cùng ngày hôm đó, nó rời vịnh San Francisco hướng đến Guam trong một nhiệm vụ như thế. Nó đi đến cảng Apra vào ngày 15 tháng 11 để rồi lại lên đường hai ngày sau đó cùng một lượt các hành khách, và về đến San Francisco vào ngày 30 tháng 11. Đến ngày 8 tháng 12 con tàu sân bay lại hướng đến Viễn Đông. Lộ trình ban đầu dự định đến Samar tại Philippines, nhưng nó chuyển hướng dọc đường để đi đến Manila vào ngày 26 tháng 12 và rời nơi này ngày 29 tháng 12. Nó về đến San Francisco ngày 13 tháng 1 năm 1946. Cuối tháng đó, nó di chuyển lên hướng Bắc đến Bremerton, Washington, nơi nó được đưa về làm lực lượng dự bị vào ngày 21 tháng 6. Nó được duy trì trong tình trạng như vậy cho đến cuối năm. Vào ngày 9 tháng 1 năm 1947, Yorktown được cho xuất biên chế và được cho neo đậu cùng Đội Bremerton của Hạm đội Dự bị Thái Bình Dương.[1]

1953 – 1955

Yorktown sau đợt cải biến SCB-27A năm 1953, đang tiếp nhiên liệu cùng một tàu khu trục

Yorktown ở lại trong thành phần dự bị khoảng gần năm năm. Vào tháng 6 năm 1952, nó nhận được lệnh cho tái hoạt động, và công việc chuẩn bị được tiến hành tại Puget Sound. Vào ngày 15 tháng 12 năm 1952, nó được tái biên chế trong lực lượng dự bị tại Bremerton; công việc tân trang được tiến hành kéo dài đến đầu năm 1953 và nó tiến hành chạy thử máy sau tân trang vào tháng 1 năm đó. Vào ngày 20 tháng 2 năm 1953, Yorktown được đưa ra hoạt động thường trực như một tàu sân bay tấn công CVA dưới quyền chỉ huy của hạm trưởng, Đại tá Hải quân William M. Nation. Chiếc tàu sân bay tiến hành các hoạt động thường xuyên dọc bờ Tây Hoa Kỳ trong gần suốt mùa Hè năm 1953. Vào ngày 3 tháng 8, nó rời San Francisco để hướng đến Viễn Đông. Nó đến Trân Châu Cảng và ở lại đó đến ngày 27 tháng 8, khi nó lại lên đường tiếp tục hành trình về phía Tây. Vào ngày 5 tháng 9, chiếc tàu sân bay đi đến Yokosuka, Nhật Bản.[1]

Yorktown lại ra khơi vào ngày 11 tháng 8 để gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 77 đang hoạt động trong biển Nhật Bản. Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc hai tháng trước đó, nên chiếc tàu sân bay chỉ tiến hành các hoạt động huấn luyện thay vì chiến đấu. Nó hoạt động cùng Lực lượng Đặc nhiệm 77 cho đến ngày 18 tháng 2 năm 1954, khi nó rời Yokosuka để lên đường trở về nhà. Trên đường về nó ghé qua Trân Châu Cảng rồi thả neo tại Alameda một lần nữa vào ngày 3 tháng 3. Sau một đợt sửa chữa ngắn tại Xưởng Hải quân Hunters Point, Yorktown được cho ra khơi làm bối cảnh để quay bộ phim tài liệu ngắn Jet Carrier, một phim từng được đề cử Giải thưởng Điện ảnh Viện hàn lâm Hoa Kỳ (giải Oscar). Nó lại tiến hành các hoạt động thường xuyên dọc bờ Tây cho đến ngày 1 tháng 7, khi nó nhận được lệnh chuyển đến hoạt động tại khu vực Viễn Đông. Nó dừng lại Trân Châu Cảng từ ngày 8 đến ngày 28 tháng 7 trước khi tiếp tục hành trình đến Manila, và nó đến nơi ngày 4 tháng 8.[1]

Yorktown hoạt động tại khu vực ngoài khơi Căn cứ Hải quân vịnh Subic gần Manila, tiến hành các cuộc tập trận cùng Đệ Thất hạm đội trong suốt thời gian được bố trí đến đây. Thỉnh thoảng, nó cũng phá vỡ lịch trình trên trong các chuyến ghé thăm cảng Yokosuka; và vào các ngày nghỉ trong dịp lễ Giáng Sinh, nó ghé qua Hong Kong. Vào tháng 1 năm 1955, nó được lệnh đến giúp đỡ cho cuộc triệt thoái của lực lượng Quốc dân Đảng khỏi quần đảo Đại Trần đang chịu áp lực nặng nề từ phía Trung Cộng. Yorktown vào cảng Yokosuka vào ngày 16 tháng 2 năm 1955, rồi lại khởi hành vào ngày 18 tháng 2 để quay về nhà. Sau khi ghé qua đêm tại Trân Châu Cảng đêm 23 rạng sáng ngày 24 tháng 2, nó tiếp tục cuộc hành trình về hướng Đông và về đến Alameda vào ngày 28 tháng 2. Vào ngày 21 tháng 3 năm 1955, nó được tạm thời cho ngưng hoạt động và đưa về Xưởng Hải quân Puget Sound nơi nó được cải tiến và hiện đại hóa, đáng kể nhất là một sàn đáp chéo góc để tăng cường khả năng phóng máy bay phản lực. Nó hoàn tất các công việc cải tạo vào mùa Thu năm đó, và vào ngày 14 tháng 10, được đưa trở lại hoạt động thường trực.[1]

1955 – 1957

Sau khi được cho nhập biên chế thường trực trở lại, Yorktown quay trở lại các hoạt động thường xuyên dọc theo vùng bờ Tây Hoa Kỳ cho đến giữa tháng 3 năm 1956. Vào ngày 19 tháng 3, nó rời vịnh San Francisco thực hiện lượt phục vụ thứ ba cùng Đệ Thất hạm đội kể từ khi hoạt động trở lại vào năm 1953. Chiếc tàu sân bay dừng lại Trân Châu Cảng từ ngày 24 tháng 3 đến ngày 9 tháng 4 rồi tiếp tục chuyến hành trình. Nó đi đến cảng Yokosuka vào ngày 18 tháng 4 và khởi hành ngày 29 tháng 4. Chiếc tàu chiến hoạt động cùng Đệ Thất hạm đội trong năm tháng tiếp theo sau, khi nó hoạt động tại các khu vực biển Nhật Bản, biển Đông Trung Quốcbiển Đông. Nó đã ghé qua các cảng Sasebo, Manila, vịnh Subic và vịnh Buckner ở Okinawa. Vào ngày 7 tháng 9, chiếc tàu sân bay rời cảng Yokosuka hướng mũi về phía Đông. Sau một chuyến hải hành không dừng nghỉ, nó về đến Alameda vào ngày 13 tháng 9. Nó tiếp tục các hoạt động dọc theo bờ Tây Hoa Kỳ trong khoảng hai tháng. Đến ngày 13 tháng 11, nó thực hiện một chuyến đi khứ hồi đến Trân Châu Cảng rồi quay về Alameda vào ngày 11 tháng 12. Yorktown tiếp tục các hoạt động thường xuyên ngoài khơi Alameda cho đến tháng 3 năm 1957. Vào ngày 9 tháng 3, nó rời Alameda thực hiện một lượt phục vụ hoạt động khác tại khu vực Viễn Đông. Nó dừng lại Oahu và Guam dọc trên đường đi, và đến cảng Yokosuka ngày 19 tháng 4. Nó ra khơi tham gia các hoạt động của Lực lượng Đặc nhiệm 77 vào ngày 25 tháng 4, và đã hoạt động cùng đơn vị này trong ba tháng tiếp theo sau. Vào ngày 13 tháng 8, con tàu rời cảng Yokosuka để quay trở về Hoa Kỳ, dừng một chặng ngắn tại Trân Châu Cảng và về đến Alameda vào ngày 25 tháng 8.[1]

1957 – 1960

Vào ngày 1 tháng 9 năm 1957, cảng nhà của Yorktown được chuyển từ Alameda đến Long Beach, California, và nó được xếp lại lớp thành một tàu sân bay chống tàu ngầm (ASW) với ký hiệu lườn mới CVS-10. Con tàu lên đường từ Alameda vào ngày 23 tháng 9, và đi đến Xưởng hải quân Puget Sound bốn ngày sau đó, nơi nó được đạ̣i tu và cải biến cho phù hợp với vai trò chống tàu ngầm. Công việc đó kéo dài cho đến tận đầu tháng 2 năm 1958. Nó rời kho đạn hải quân ở Bangor, Washington ngày 7 tháng 2 và về đến Long Beach năm ngày sau. Trong vòng tám tháng tiếp theo sau, Yorktown tiến hành các hoạt động thường xuyên dọc theo vùng bờ Tây Hoa Kỳ. Vào ngày 1 tháng 11, nó rời San Diego quay lại hoạt động tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Sau một chặng dừng tại Trân Châu Cảng từ ngày 8 đến ngày 17 tháng 11, Yorktown tiếp tục hành trình tiến về phía Tây, và đi đến cảng Yokosuka ngày 25 tháng 11.[1]

Trong đợt hoạt động này, chiếc tàu sân bay đã ba lần được tưởng thưởng do các hoạt động xuất sắc. Lần thứ nhất là vào các ngày 31 tháng 12 năm 19581 tháng 1 năm 1959, khi nó tham gia một đợt phô diễn sức mạnh quân sự Hoa Kỳ nhằm đáp trả việc những người Cộng sản Trung Quốc nả đạn pháo xuống các hòn đảo Kim MônMã Tổ do lực lượng Trung Hoa Dân Quốc trấn giữ. Trong tháng 1 năm 1959, nó còn tham gia lực lượng phản ứng ngoài khơi Việt Nam trong thời gian biến loạn do các lực lượng du kích cộng sản gây ra tại miền Nam nước này. Trong tháng đó nó được tặng thưởng do các hoạt động tại eo biển Đài Loan. Thời gian còn lại của đợt bố trí này bao gồm một lần đến vùng biển ngoài khơi Việt Nam vào cuối tháng 3 và một lượt huấn luyện thường xuyên và viếng thăm các cảng. Nó kết thúc đợt hoạt động tại San Diego ngày 21 tháng 5. Sau đó chiếc tàu sân bay quay lại các hoạt động thường lệ dọc Bờ Tây Hoa Kỳ cho đến hết năm 1959.[1]

Vào tháng 1 năm 1960, Yorktown quay lại khu vực Viễn Đông thông qua Trân Châu Cảng. Trong đợt bố trí này, nó được tặng thưởng thêm các Ngôi sao Chiến trận do nhiều lần hoạt động tại vùng biển Việt Nam từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1960. Nó quay về Bờ Tây Hoa Kỳ vào cuối mùa Hè, và đến cuối tháng 9 bắt đầu một đợt đại tu kéo dài bốn tháng tại Xưởng hải quân Puget Sound.[1]

1961 – 1964

Yorktown rời xưởng tàu vào tháng 1 năm 1961 và về đến Long Beach ngày 27 tháng 1. Nó tiến hành một đợt huấn luyện rồi sau đó hoạt động thường trực dọc theo bờ Tây Hoa Kỳ cho đến tháng 7. Ngày 29 tháng 7, chiếc tàu sân bay rời Long Beach hướng đến Viễn Đông một lần nữa. Nó dừng lại khá lâu tại quần đảo Hawaii trong tháng 8 và chỉ đi đến Yokosuka vào ngày 4 tháng 9. Đợt hoạt động này tại Viễn Đông bao gồm các cuộc thực tập phòng không và chống tàu ngầm cùng viếng thăm các cảng. Nó kết thúc đợt hoạt động tại Long Beach vào ngày 2 tháng 3 năm 1962. Các hoạt động thường xuyên được thực hiện dọc theo bờ Tây Hoa Kỳ chiếm trọn mùa Hè và kéo dài sang mùa Thu năm 1962. Vào ngày 26 tháng 10, nó rời Long Beach hướng sang Viễn Đông. Trong đợt hoạt động này, nó là soái hạm của Đội tàu sân bay 19. Nó tham gia nhiều cuộc thực tập phòng không và chống tàu ngầm, kể cả cuộc tập trận chống tàu ngầm Chiến dịch Sea Serpent của khối Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Đợt bố trí này kết thúc vào ngày 6 tháng 6 năm 1963, khi chiếc tàu sân bay khởi hành quay về Long Beach.[1]

Yorktown quay trở lại cảng nhà vào ngày 18 tháng 6 và tiến hành các hoạt động thường lệ suốt phần còn lại của năm cũng như gần trọn năm 1964. Tuy nhiên, vào ngày 22 tháng 10, nó lại hướng mũi về phía Tây cho một đợt bố trí cùng Hạm đội 7. Một số hoạt động tại vùng biển quần đảo Hawaii đã trì hoãn thời gian đến Nhật Bản cho đến tận ngày 3 tháng 12 năm 1964.[1]

1965 – 1968

Trong những năm 19641965, việc bố trí hoạt động tại Viễn Đông đã đưa Yorktown can dự trực tiếp lần đầu tiên vào cuộc xung đột trong Chiến tranh Việt Nam. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1965, nó thực hiện một loạt các nhiệm vụ đặc biệt trong vùng biển Đông ngoài khơi Việt Nam, chủ yếu là phục vụ chống tàu ngầm cho lực lượng tàu sân bay nhanh đang thực hiện các phi vụ không kích các mục tiêu tại Việt Nam, yểm trợ cho sự can dự ngày càng sâu hơn của Mỹ vào cuộc chiến tranh tại đất nước này. Nó kết thúc đợt phục vụ tại Viễn Đông vào ngày 7 tháng 5, khi nó rời Yokosuka quay trở về Hoa Kỳ. Nó về đến Long Beach ngày 17 tháng 5 năm 1965.[1]

Trong phần còn lại của cuộc đời phục vụ, Yorktown tiếp tục tham gia thêm nhiều lượt trong các hoạt động tác chiến tại Việt Nam. Sau bảy tháng hoạt động thường xuyên ngoài khơi Long Beach, nó lên đường đi đến khu vực Tây Thái Bình Dương một lần nữa vào ngày 5 tháng 1 năm 1966. Nó đi đến Yokosuka ngày 17 tháng 2 và gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 77 tại Trạm Yankee cuối tháng đó. Trong năm tháng tiếp theo sau, chiếc tàu sân bay đã thực hiện ba đợt phục vụ kéo dài tại Trạm Yankee hỗ trợ các hoạt động chống tàu ngầm, cùng hoạt động tìm kiếm và giải cứu phục vụ cho những tàu sân bay khác của Lực lượng Đặc nhiệm 77. Nó cũng tham gia nhiều cuộc thực tập chống tàu ngầm, kể cả cuộc tập trận chủ yếu của khối SEATO mang tên Chiến dịch Sea Imp. Chiếc tàu chiến thực hiện đợt phục vụ cuối cùng tại Trạm Yankee vào đầu tháng 7, và sau một chặng dừng tại Yokosuka, nó quay về nhà vào ngày 15 tháng 7. Nó tiễn lên bờ tại San Diego liên đội không quân phối thuộc vào ngày 27 tháng 7 và quay trở về Long Beach cùng ngày hôm đó. Nó tiếp tục các công việc hoạt động thường xuyên bao gồm huấn luyện chuẩn nhận hoạt động tàu sân bay và chống tàu ngầm trong suốt thời gian còn lại của năm 1966 và trong hai tháng đầu năm 1967.[1]

Ngày 24 tháng 2 năm 1967, Yorktown đi vào Xưởng hải quân Long Beach cho một đợt đại tu kéo dài 7 tháng. Nó hoàn tất các công việc sửa chữa vào đầu tháng 10, và sau một đợt huấn luyện ôn tập, nó tiếp tục các hạt động thường xuyên ngoài khơi bờ Tây nước Mỹ trong gần suốt thời gian còn lại của năm 1967. Vào ngày 28 tháng 12, nó rời Long Beach lên đường thực hiện lượt bố trí nghĩa vụ cuối cùng tại khu vực tây Thái Bình Dương. Sau một chặng dừng tại Trân Châu Cảng, nó đi đến Viễn Đông cuối tháng 1 năm 1968; nhưng thay vì ghé vào một cảng Nhật Bản, Yorktown hướng trực tiếp đến vùng biển Nhật Bản để hỗ trợ chống tàu ngầm và tìm kiếm giải cứu cho lực lượng phản ứng được tập trung sau sự kiện Bắc Triều Tiên bắt giữ chiếc tàu do thám Hoa Kỳ Pueblo (AGER-2). Nó thực hiện nhiệm vụ được giao trong vòng 30 ngày cho đến khi được miễn nhiệm vào ngày 1 tháng 3 và hướng đến vịnh Subic tại Philippines. Trong thời gian còn lại của đợt bố trí này, chiếc tàu sân bay phục vụ ba lượt cùng Lực lượng Đặc nhiệm TF 77 tại Trạm Yankee, trong đó nó thực hiện vai trò chống tàu ngầm và hỗ trợ tìm kiến giải cứu cho các phi vụ không kích vào các mục tiêu tại Việt Nam. Nó kết thúc lượt phục vụ cuối cùng tại Việt Nam vào ngày 16 tháng 6 và hướng đến Sasebo, nơi nó dừng chân từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 6 trước khi quay trở về Hoa Kỳ.[1]

1968 – 1975

Mô-đun chỉ huy của tàu vũ trụ Apollo 8 trên sàn chiếc USS Yorktown

Yorktown trở về Long Beach ngày 5 tháng 7 năm 1968 và vào Xưởng hải quân Long Beach để thực hiện đợt sửa chữa kéo dài gần ba tháng. Nó hoàn tất công việc sửa chữa vào ngày 30 tháng 9 và quay lại các hoạt động thường xuyên. Vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 1968, nó phục vụ làm bối cảnh cho việc quay cuốn phim Tora! Tora! Tora! tái dựng lại sự kiện Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng. Vào tháng 12 năm 1968, nó là một trong các tàu thu hồi chính cho chuyến bay Apollo 8. Hai nhiệm vụ trên được thực hiện tại vùng biển ngoài khơi Trân Châu Cảng. Nó rời Trân Châu Cảng ngày 2 tháng 1 năm 1969, và sau một chặng dừng hai tuần tại Long Beach, tiếp tục chuyến đi để gia nhập Hạm đội Đại Tây Dương. Đi vòng quanh Nam Mỹ, chiếc tàu sân bay đi đến cảng nhà mới của mình là Norfolk, Virginia vào ngày 28 tháng 2. Nó thực hiện các hoạt động thường xuyên ngoài khơi bờ Đông Hoa Kỳ và tại Tây Ấn cho đến cuối mùa Hè.[1]

Ngày 2 tháng 9, Yorktown rời Norfolk thực hiện chuyến đi đến châu Âu và tham gia vào cuộc tập trận hạm đội lớn Chiến dịch Peacekeeper. Trong cuộc tập trận này, nó hỗ trợ hoạt động chống tàu ngầm và tìm kiếm và giải cứu cho lực lượng đặc nhiệm. Cuộc tập trận kết thúc vào ngày 23 tháng 9, và Yorktown bắt đầu thực hiện một loạt các chuyến viếng thăm các cảng tại Bắc Âu. Sau khi ghé qua Brest, PhápRotterdam tại Hà Lan, Yorktown ra khơi thực hiện các cuộc thực hành tìm và diệt tàu ngầm từ ngày 18 tháng 10 đến ngày 11 tháng 11. Sau đó tó tiếp tục chương trình viếng thăm các cảng vào ngày 11 tháng 11 khi ghé thăm Kiel, Đức. Sau đó, nó còn dừng tại Copenhagen, Đan MạchPortsmouth, Anh Quốc trước khi lên đường quay trở về nhà vào ngày 1 tháng 12. Nó về đến Norfolk ngày 11 tháng 12 để bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm.[1]

Trong nữa đầu năm 1970, Yorktown hoạt động ngoài khơi Norfolk và bắt đầu chuẩn bị để ngừng hoạt động. Vào ngày 27 tháng 6 năm 1970, Yorktown chính thức xuất biên chế tại Philadelphia, Pennsylvania, và được đưa về thành phần dự bị, neo đậu cùng Đội Philadelphia thuộc Hạm đội Dự bị Đại Tây Dương. Con tàu bị bỏ không trong gần ba năm trước khi tên nó được loại bỏ khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 1 tháng 6 năm 1973. Đến năm 1974, Hải quân đồng ý trao tặng chiếc Yorktown cho tổ chức Patriot's Point Development Authority tại Charleston, Nam Carolina. Nó được kéo từ Bayonne, New Jersey đến Charleston trong tháng 6 năm 1975. Chiếc tàu sân bay chính thức được chỉ định thành một đài kỷ niệm nhân dịp 200 năm thành lập Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 13 tháng 10 năm 1975.[1]